Đạp xe: Hoạt động gắn kết cả gia đình
Nhiều người chọn đạp xe vì đây là hoạt động giúp họ tận hưởng những giây phút "một mình". Còn đối với nhiều người, đạp xe còn là cơ hội "vàng" để gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Nhưng làm thế nào để tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia vào hoạt động nhiều ý nghĩa này? Làm thế nào để thuyết phục người bạn đời chưa-bao-giờ-đạp-xe cùng tham gia? Phải chuẩn bị những gì để thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình cũng có thể cùng di chuyển? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời phần nào những vấn đề nêu trên và có được trải nghiệm đạp xe tuyệt vời với cả gia đình.
Bước 1: Đảm bảo mọi thành viên trong gia đình đều sẵn sàng tham gia
Đối với phụ huynh
Khoan hãy nghĩ đến việc làm thế nào để dạy con đạp xe. Trong nhiều trường hợp, bạn cần thuyết phục người bạn đời của mình thành công trước đã. Vì đây là hoạt động kết nối các thành viên trong gia đình nên lý tưởng nhất là mọi thành viên đều sẵn lòng trèo lên yên xe, không chỉ một lần, một tuần mà thường xuyên và vui vẻ.
Với các bé ở độ tuổi mầm non
- Ghế trẻ em
Thông thường, phải đến khoảng 4 hoặc 5 tuổi, trẻ mới có thể tự đạp xe. Cho đến lúc ấy, bạn có thể cần đến một số thiết bị nếu muốn mang bé theo trong chuyến đạp xe của cả nhà. Lựa chọn tối ưu nhất chính là ghế phụ. Ghế phụ có thể được lắp ở phía trước hoặc phía sau. Dù lắp ở vị trí nào, bạn cũng cần đảm bảo quần, áo, chân, tay của bé không thể chạm vào phần bánh xe hoặc không có đoạn dây buộc, khăn quàng hay bất cứ phụ kiện gì có thể vướng vào bánh xe. Sau khi lắp ghế, bạn nên thử điều khiển xe, lên, xuống xe vài lần trước khi bước vào cuộc đạp xe thực sự để có thể kiểm tra kỹ càng và phòng ngừa những rủi ro khi di chuyển.
- Xe thăng bằng
Cho trẻ tập đi xe thăng bằng là cách thông dụng nhất để dạy bé đạp xe. Không cần bàn đạp, không cần xích, xe thăng bằng vẫn có thể giúp trẻ di chuyển và có "cảm giác" với xe. Các bé được làm quen với xe thăng bằng trước thường sẽ nhanh biết đi xe đạp hơn. Trong giai đoạn bé chưa thể tự đi xe đạp, xe thăng bằng là một lựa chọn lý tưởng để thành viên nhí này có thể tham gia hoạt động cùng cả gia đình. Tuy nhiên, trẻ đi xe thăng bằng thường không thể đi xa hoặc đi lâu. Do đó bạn nên lựa chọn những địa điểm gần hoặc tìm cách "mang theo" bé và chiếc xe nếu bé mệt.
Với các bạn đã có thể tự đạp xe
Đến thời điểm bắt đầu đi học lớp 1, nhiều bé đã có thể tự tin đạp xe một mình trong một thời gian dài. Tuy nhiên, để bé có thể đạp xe một quãng đường dài cùng với người lớn, bạn cần chú ý chọn cho bé chiếc xe phù hợp. Xe có đường kính bánh từ 14-16" phù hợp với bé từ 4-6 tuổi, đường kính 20" phù hợp với bé từ 5-10 tuổi còn bánh xe có đường kính khoảng 24" sẽ phù hợp với bé từ 8-12 tuổi hoặc lớn hơn một chút.
Không chỉ là hoạt động giúp rèn luyện thể chất, đạp xe còn giúp gắn kết các thành viên trong gia đình.
Bước 2: Chuẩn bị những phụ kiện và đồ dùng cần thiết
Mang theo những đồ dùng cần thiết sẽ giúp gia đình bạn có được chuyến đạp xe an toàn, thoải mái và vui vẻ hơn. Có một số đồ dùng không thể thiếu như mũ bảo hiểm, quần áo thoáng mát hoặc ấm áp tuỳ theo mùa, nước uống, đồ ăn nhẹ (đạp xe xong sẽ cùng nhau mở tiệc picnic ở công viên chẳng hạn) mà bạn cần chuẩn bị. Tuỳ theo nhu cầu của từng gia đình, bạn có thể cân nhắc các đồ dùng mang theo nhưng chú ý không nên chất quá nhiều đồ đạc lên xe.
Bước 3: Luyện tập
Hãy cho cả nhà có cơ hội luyện tập càng nhiều càng tốt, nhất là các bạn nhỏ. Hãy nhớ: Bé sẽ ngã, có khi là ngã rất nhiều. Tuy nhiên, những cú ngã ở tuổi này thường không quá nghiêm trọng vì bé thường tập đi xe đạp ở những nơi an toàn, tốc độ chạy xe không quá cao. Như đã đề cập phía trên, mũ bảo hiểm là phụ kiện bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bé trong khi đạp xe. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể chuẩn bị cho bé bộ giáp bảo vệ tay, đầu gối.
Bước 4: Lên kế hoạch kỹ càng cho từng chuyến đi
Bạn nên chọn những con đường không quá đông đúc để cả nhà có thể nói chuyện với nhau trong khi đạp xe và các bạn nhỏ sẽ không bị "ngợp" bởi xe cộ xung quanh. Bởi vì trẻ con đôi khi sẽ hào hứng hơn nếu được chạy nhảy, bạn nên chọn điểm đến là nơi nào đó rộng rãi, nhiều cây cỏ hoặc sân chơi chẳng hạn để giúp con hứng thú tham gia.
Nếu bạn là người đạp xe thường xuyên hơn người bạn đời của mình, hãy để họ là người dẫn tốc, còn bạn sẽ là người chở theo em bé. Trong những lần đạp xe đầu tiên, bạn nên chọn những địa điểm gần để đảm bảo quãng đường đi không quá dài hoặc quá sức. Nhớ mang theo nước và đồ ăn nhẹ để có thể dừng lại nghỉ bất cứ khi nào có người thấy mệt.
Bước 5: Tận hưởng
Hãy nhớ rằng, cuộc đạp xe này là để cả gia đình rời xa ti vi, điện thoại, gạt bỏ công việc, sách vở sang một bên và có thời gian gắn kết với nhau. Vậy nên, quan trọng nhất là mỗi thành viên đều thoải mái tận hưởng và coi việc đạp xe như một trải nghiệm thú vị và là cơ hội để rèn luyện sức khoẻ cùng những người thân yêu của mình.
Xem thêm: Chọn xe đạp trẻ em phù hợp với độ tuổi để niềm vui đạp xe được trọn vẹn hơn